Dấu hiệu của Ung Thư Gan, xét nghiệm chuẩn đoán và phác đồ điều trị

Ung thư gan là căn bệnh có mức độ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của con người rất lớn. Theo tổ chức y tế thế giới, ung thư gan đúng thứ 6 trong danh sách các bệnh ung thư phổ biến và đứng thứ 2 sau ung thư phổi về khả năng tử vong. Vậy ung thư gan là gì và bạn cần biết gì về căn bệnh chết người này? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Tổng quan

Ung thư gan là gì?

Ung thư gan là bệnh lý xuất phát từ các tế bào gan bất thường phát triển và phân chia không hợp lý. Khi các tế bào này phát triển mất kiểm soát sẽ gây ra ung thư gan.

Theo các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực y tế, ung thư gan ở con người gồm hai loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.

·        Ung thư gan nguyên phát: là bệnh ung thư gan do các tế bào gan gây ra, liên tục phát triển gây ảnh hưởng và cản trở gan làm việc.

·        Ung thư gan thứ phát: là ung thư từ các bộ phận khác khi đã đến giai đoạn cuối di căn đến gan.

Ung thư gan được chia làm nhiều loại: Ung thư biểu mô tế bào gan; Ung thư đường mật; U nguyên bào gan  và U máu ác tính.

Những nguyên nhân chính gây ra ung thư gan

Việt Nam là nước có tỉ lệ dân số mắc bệnh ung thư gan cao nhất thế giới. Trung bình mỗi năm nước ta có thêm hơn 10.000 ca mắc bệnh ung thư gan. Tỉ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh ung thư gan ngày càng cao đặc biệt là với điều kiện y tế chưa đảm bảo cùng với sự thiếu hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh ung thư gan ở con người.

Có thể nói ung thư gan là một bệnh dễ gây tử vong nhưng khó phát hiện kịp thời do yếu tố nguyên nhân không rõ ràng. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan chủ yếu là:

Ø Virus viêm gan: các loại virus viêm gan (A, B, C, D..) đặc biệt là virus viêm gan B, C gây tổn thương và hủy hoại các tế bào gan. Các virus viêm gan phát triển trong một thời gian dài làm gia tăng nguy cơ ung thư gan ở người bệnh.

Virus viêm gan B mãn tính được các nhà khoa học chứng minh làm gia tăng khả năng ung thư gan ở con người lên tới 200 lần. Virus viêm gan B có nguồn gốc từ các sản phẩm máu, kim tiêm ô nhiễm hoặc tiếp xúc tình dục tiếp cận các tế bào gan, phá vỡ các cấu trúc để hình thành ung thư gan.

Virus viêm gan C được chứng minh khó phát triển thành ung thư gan hơn so với virus viêm gan B nhưng cao hơn so với các virus viêm gan khác.

Ø Xơ gan:  Xơ gan là bệnh lý đặc trưng của người nghiện rượu bia. Rượu bia khi được hấp thu vào cơ thể đi qua gan làm cho các tế bào gan dần suy yếu và chết đi làm thay đổi cấu trúc DNA và chức năng gan tăng nguy cơ ung thư gan.

Ø Di truyền: Nhiều nghiên cứu chỉ ra tính di truyền đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan. Gia đình có tiền sử người mắc bệnh ung thư gan hoặc ung thư tuyến tiền liệt thì thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao hơn người bình thường. Ung thư gan có thể di truyền trực tiếp từ mẹ sang con…

Ø Tác nhân khác: Nấm Aspergillus và Dioxin cũng là một trong những tác nhân làm gia tăng nguy cơ bệnh ung thư gan ở con người.

Ø Nguyên nhân thứ phát: bệnh ung thư gan ở con người còn được gia tăng do các nguyên nhân thứ phát như bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, béo phì, ung thư tuyến tiền liệt hay bệnh nhân từng làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật đều có khả năng mắc bệnh ung thư gan cao hơn so với những người khác.

Các triệu chứng và giai đoạn của ung thư gan

Dấu hiệu của ung thư gan

Các biểu hiện triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư gan có thể kể đến như sau:

·        Sút cân, chán ăn: đây được cho là triệu chứng quan trọng trong giai đoạn đầu của bệnh. Khi chức năng gan bị tổn thương sẽ khiến cho quá trình hấp thu và trao đổi chất ở con người trở nên kém đi dẫn tới tình trạng chán ăn và sút cân đột ngột.

·        Mệt mỏi, buồn nôn: Trường hợp nôn và buồn nôn xuất hiện đột ngột không rõ nguyên nhân là biểu hiện sớm của bệnh ung thư gan.Mặt khác, buồn nôn đi kèm với biểu hiện mệt mỏi chính là biểu hiện rõ ràng cho bệnh ung thư gan.

·        Thay đổi màu da, nước tiểu: Khi chức năng gan bị suy giảm khiến cho các độc tố trong gan không được đào thải gây ra triệu chứng vàng da, vàng mắt. Ngoài ra, các độc tố này còn khiến cho da bị kích ứng ngứa và thay đổi màu nước tiểu màu nước tiểu từ trắng, trắng vàng đến vàng sẫm và nâu.

·        Đau bụng, tụ dịch trong bụng: Nếu bụng của bạn có dấu hiệu bị chướng cùng với việc sờ thấy gan và đau bụng kéo dài là biểu hiện triệu chứng của ung thư gan giai đoạn đầu.

Các giai đoạn phát triển của ung thư gan

Bệnh ung thư gan được chia làm 4 giai đoạn phát triển:

-         Giai đoạn I: các tế bào ung thư gan xuất hiện và gây tác động lên gan và chức năng gan. Ở giai đoạn này khối u và các tế bào ung thư gan chưa xâm lấn sang các cơ quan khác trong cơ thể.

-         Giai đoạn II: Trong giai đoạn này khối u cũng chưa có biểu hiện xâm lấn các mô và các bộ phận cơ thể khác. Nhưng đã có sự phát triển ngày càng lớn hơn và bắt đầu có sự nhân lên thành nhiều khối u bám vào các mạch máu trong gan.

-         Giai đoạn III: Ở giai đoạn này các khối u có biểu hiện lớn dần và xâm lấn tĩnh mạch của gan. Một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ung thư gan giai đoạn III nặng thì các khối u có hiện tượng xâm lấn vùng hạch và các tổ chức lân cận. Tuy nhiên, trong giai đoạn này ung thư gan vẫn chưa có biểu hiện di căn.

-         Giai đoạn IV: Khối ung thư xâm lấn toàn bộ các mô trên gan và có khả năng xâm lấn cũng như di căn sang các vùng khác trên cơ thể.

Chẩn đoán và các xét nghiệm phát hiện ung thư gan

Để các bác sĩ đưa ra các chẩn đoán chính xác về bệnh ung thư gan ngoài việc thăm khám lâm sàng thì họ còn sử dụng một số phương pháp khác để phát hiện tế bào ung thư thông qua: Xét nghiệm máu; Chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp (CT) chụp cộng hưởng (MRI) và siêu âm); Sinh thiết.

Ø Thăm khám lâm sàng: Đây là phương pháp đơn giản, ngoại khoa giúp bác sĩ quan sát và phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cơ thể của bệnh nhân có liên quan đến bệnh ung thư gan như:chán ăn, mệt mỏi, vàng da…

Ø Xét nghiệm máu: các bác sĩ cho rằng ung thư gan có liên quan mật thiết đến nồng độ AFP trong máu. Nếu khi xét nghiệm máu mà nồng độ AFP trong máu cao hơn ở mức bình thường thì bệnh nhân có các vấn đề về gan và ung thư gan.

Ø Chẩn đoán hình ảnh: Để các bác sĩ có cái nhìn chính xác và toàn diện hơn về bệnh ung thư gan. Các chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa trên 3 hoạt động bao gồm siêu âm; chụp CT và MRI.

·        Siêu âm: Đây là phương pháp mà các bác sĩ sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh siêu âm của gan. Qua hình ảnh từ những sóng âm các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện ra các bất thường trong gan qua đó đưa ra chẩn đoán về gan một cách cụ thể.

·        Chup CT: Hình thức này cho phép các bác sĩ chẩn đoán bằng hình ảnh hiện đại trên cùng một mặt phẳng để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư gan lên tới trên 85%. Chụp CT cũng cho phép các bác sĩ phát hiện sớm khối u và tế bào ung thư gan khi chúng còn rất nhỏ có đường kính dưới 2cm.

·         Chụp MRI: chụp MRI là phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bằng chụp CT. Phương pháp này cho phép phân tích các đặc tính của mô, cho hình ảnh đa mặt cắt với độ tương phản tối ưu. Ngoài hỗ trộ đưa ra chẩn đoán, đây còn là phương pháp giúp cho các bác sĩ xác định chính xác vùng tổn thương để lập phác đồ điều trị hợp lý.

Ø Sinh thiết: là phương pháp cho kết quả chẩn đoán ung thư gan chính xác nhất. Các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ gan để kiểm tra và đưa ra chẩn đoán.

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư gan

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ đưa ra những phác đồ trị liệu riêng. Tuy nhiên, đa số các phương pháp điều trị đi theo 2 hướng là khối u còn có khả năng cắt bỏ được và khối u không còn khả năng cắt bỏ được.

Đối với khối u còn có khả năng cắt bỏ được các bác sĩ sử dụng các phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật và điều trị hỗ trợ.

Ø Phẫu thuật

·        Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan: các bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ khối u hay một phần gan bị hủy hoại do các tế bào ung thư giúp gan hoạt động bình thường trở lại.

·        Phẫu thuật cấy ghép gan: Hình thức này chỉ được thực hiện khi gan của bệnh nhân bị cắt bỏ hoàn toàn do ung thư mà chưa có dấu hiệu lan rộng và có gan mới để thay thế.

·        Phẫu thuật lạnh: các bác sĩ sử dụng một đầu dò kim loại để đưa khí lạnh vào gan, dùng khí lạnh này để tiêu diệt tế bào ung thư.

·        Sử dụng sóng cao tần: đây là phương pháp mà các bác sĩ sử dụng một đầu dò đặc biệt để phá hủy mô ung thư gan bằng nhiệt.

Ø Điều trị hỗ trợ

·        Xạ trị: các bác sĩ sử dụng các tia bức xạ để hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư trong gan.

·        Thuốc: hiện nay có nhiều loại thuốc đặc hiệu có tác dụng hỗ trợ tiêu diệt và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư gan có thể kể đến Nexavar.

Đối với khối u không còn khả năng cắt bỏ được các bác sĩ sử dụng phương pháp thắt động mạch và điều trị bằng hóa chất.

Ø Thắt động mạch: việc thắt động mạch gan sẽ làm hoại tử một phần gan và các mô ung thư trong gan kích thích hệ miễn dịch làm việc hiệu quả hơn.

Ø Điều trị bằng hóa chất: Các bác sĩ tiêm cồn hoặc hóa chất đặc trị vào gan khiến cho các tế bào ung thư bị tắc nghẽn dẫn tới chết, bảo vệ gan khỏe mạnh.

 

Cách phòng ngừa ung thư gan

Ngày nay cùng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật người ta không chỉ quan tâm đến điều trị bệnh ung thư gan mà còn đặc biệt chú trọng đến việc phòng bệnh một cách hiệu quả. Dưới đây là một vài phương pháp phòng ngừa ung thư gan phổ biến được nhiều người áp dụng:

Ø Tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B: viêm gan B được cho là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh ung thư gan. Vì vậy, để bảo vệ bản thân và gia đình của mình khỏi các bệnh về gan nói chung và ung thu gan nói riêng cần tiêm văc xin phòng viêm gan B đầy đủ và kịp thời.

Ø Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Ung thư gan là một bệnh lý khó phát hiện nên để phòng bệnh hiệu quả chúng ta cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nhằm có phương pháp điều trị kịp thời.

Ø Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh: Việc chúng ta thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao kết hợp với duy trì cân nặng hợp lý cùng với chế độ ăn lành mạnh (nhiều rau xanh, giảm thiểu dầu mỡ và các chất kích thích) sẽ giúp cho bạn có một cơ thể khỏe mạnh tránh xa các bệnh về cơ thể đặc biệt là ung thư gan.

Ung thư gan là một căn bệnh rất nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh không khó chữa nhưng bệnh nhân cần có thái độ hợp tác tích cực để sớm phát hiện bệnh để cho các bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa và chữa trị ung thư gan.