Dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị Loãng Xương
1. Tổng quan
Loãng xương là gì?
Loãng xương là bệnh lí về xương làm khung xương bị suy yếu gây các triệu chứng đau, ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động của người bệnh. Loãng xương là căn bệnh nguy hiểm được xếp tương đương với tay biến mạch vành và tai biến mạch máu não. Hiện nay, loãng xương đang được coi là một “bệnh dịch âm thầm, có xu hướng lan rộng khắp thế giới, ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng.
Loãng xương là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Nếu để tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng rất khó điều trị, để lại những hậu quả nặng nề là gãy xương, thoái hóa xương khớp… Tuổi thọ trung bình càng cao thì số người mắc bệnh loãng xương ngày càng nhiều.
Loãng xương là căn bệnh phổ biến hiện nay
Các loại bệnh loãng xương:
- Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được chia thành hai loại: Loãng xương nguyên phát:
+ Đặc điểm: tăng quá trình hủy xương và giảm sự tái tạo.
+ Nguyên nhân: Các tế bào sinh xương bị lão hóa, sự hấp thụ calci và vitamin D ở ruột bị hạn chế và sự suy giảm các hormon sinh dục ở cả nam và nữ.
+ Cơ chế gây bệnh là do sự lão hóa của các tạo cốt bào dẫn tới tiến trình mất xương từ sau tuổi 30. Loãng xương tiên phát xuất hiện trễ, phát triển chậm và ít có những biến chứng nặng nề như gãy xương, lún xẹp các đốt sống.
+ Loãng xương nguyên phát được chia thành 2 nhóm:
ü Loãng xương nguyên phát typ 1: xảy ra ở phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh, do sự suy giảm đột ngột của nội tiết tố nữ Estrogen khi mãn kinh. Với sự sụt giảm nội tiết người phụ nữ sẽ bị loãng xương.
ü Loãng xương nguyên phát typ 2: xảy ra ở người già do quá trình hủy xương tăng trong khi quá trình tạo xương giảm do các tế bào sinh xương bị lão hóa theo tuổi. Loãng xương nguyên phát typ 2 thường diễn biến chậm và âm thậm, xuất hiện muộn hơn.
Loãng xương thứ phát: do số thói quen xấu từ cuộc sống, 1 số bệnh mãn tính hoặc một số loại thuốc phải dùng kéo dài. Loãng xương thứ phát xảy ra sớm hơn, nặng hơn, nhiều biến chứng hơn, khó điều trị hơn.
v Dựa theo độ tuổi, giới tính bệnh loãng xương được chia thành 3 loại:
- Loãng xương ở nam giới: nam giới cũng bị loãng xương, đặc biệt là những người ở độ tuổi trên 55. Theo bác sĩ Bart Clarke, chuyên gia về loãng xương vào tuổi 75 sẽ có 1/3 nam giới bị loãng xương.
- Loãng xương tiền mãn kinh: Phụ nữ mãn kinh buồng trứng sản xuất hoocmon estrogen ít hơn, làm phát sinh các loại bệnh như loãng xương, tim mạch. Xương mỏng dễ gãy, dù vận động nhẹ nhàng, thậm chí có thể gãy tự nhiên mà không do chấn thương.
- Loãng xương vị thành niên: Bệnh loãng xương ở tuổi vị thành niên liên quan đến những bệnh lý, một số bệnh có thể dẫn đến chứng loãng xương ở trẻ em bao như chán ăn tâm thần, bệnh tiểu đường, cường giáp, bệnh thận… Một số bệnh loãng xương ở độ tuổi vị thành niên là một kết quả trực tiếp của bản thân bệnh như viêm khớp dạng thấp.
2. Triệu chứng
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương
- Đau xương: người bị loãng xương cảm thấy đau nhức các đầu xương. Đau nhức, mỏi dọc các xương dài. Những cơn đau nhức kéo dài như châm chích toàn thân. Những vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể (cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối) thường đau nhiều lần. Đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ.
- Đau cột sống, đau như thắt ngang cột sống: Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, có khi giật cơ khi thay đổi tư thế.
Loãng xương gây ra đau cột sống làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người cao tuổi
- Cột sống biến dạng: gù, vẹo, còng lưng, chiều cao của cơ thể giảm vài cm so với tuổi lúc còn trẻ vì loãng xương làm cho các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún.
- Gãy xương: cổ tay, xương hông, cổ xương đùi dễ bị gãy kể cả khi không có vật đè nén.
- Đau nhiều các cơ cạnh cột sống: bệnh nhân khó thực hiện các động tác như cúi, ngửa, nghiêng người, quay người, cột sống như cứng đờ.
- Dấu hiệu toàn thân: cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, chân tay bị chuột rút, ra mồ hôi.
Thiếu xương ảnh hưởng như thế nào đến loãng xương và biện pháp phòng tránh thiếu xương
- Thiếu xương là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến loãng xương, là tiền thân của bệnh loãng xương. Thiếu xương thường gặp ở người trên 50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mất xương cao hơn nam giới vì cấu tạo khối lượng xương thấp hơn. Đồng thời phụ nữ cũng trải qua sự mất mát khối lượng xương lớn sau sinh đẻ, mãn kinh.
- Biện pháp phòng tránh thiếu xương:
+ Đảm bảo một chế độ ăn đầy đủ canxi, magiê, vitamin D, K và C cũng như các khoáng chất khác.
+ Duy trì chế độ ăn phải chứa nhiều protein và trái cây tươi và rau quả.
Chế độ ăn uống hợp lí giúp ngăn ngừa loãng xương
+ Tập thể dục đều đặn với những bài tập tỳ đè trọng lượng cơ thể, aerobics, đi bộ để giảm tối đa sự mất xương.
+ Hạn chế sử dụng thuốc lá và rượu.
+ Với những người trên 50 tuổi nên đi kiểm tra định kì bác sĩ chuyên khoa xương.
Khi nào cần đi khám bác sĩ khi gặp dấu hiệu loãng xương
Loãng xương là căn bệnh diễn biến âm thầm, kín đáo không có triệu chứng sớm cho đến khi gãy xương. Vì vậy, những người có nguy cơ loãng xương như người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, người sử dụng thuốc Corticoid dài hạn và có tiền sử gia đình cần chủ động thăm khám bác sĩ để phòng ngừa và điều trị loãng xương kịp thời, hạn chế biến chứng xảy ra.
3. Chuẩn đoán và kiểm tra
Các phương pháp chuẩn đoán và kiểm tra tình trạng loãng xương, làm rõ mật độ chất khoáng của xương BMD là gì.
- Trên thực tế, việc chẩn đoán loãng xương dựa vào tiêu chuẩn của WHO mật độ xương BMD và các phương pháp chẩn đoán loãng xương khác ngoài đo BMD. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ phát hiện được loãng xương ở giai đoạn muộn, hoặc khi đã có biến chứng.
- Chụp X-quang: X-quang cho thấy kết quả sự mất xương khi đã có biến chứng gãy hoặc lún đốt sống.
- Đo mật độ xương: Đo mật độ xương ở cổ xương đùi, cột sống để chẩn đoán loãng xương. Ngoài ra, các bác sĩ cũng tiến hành đo ở ngoại biên như xương cẳng tay, xương gót.
- Chụp cắt lớp vi tính định lượng: cho phép đánh giá khối lượng xương ở vùng cột sống, tuy nhiên giá thành đắt và bệnh nhân chịu tia xạ nhiều.
Làm rõ mật độ chất khoáng của xương BMD là đo mật độ xương hoặc đo tỷ lệ khoáng xương, đánh giá nguy cơ gãy xương. Người được đo mật độ xương sẽ không cảm thấy đau đớn hay phiền toái. Đo mật độ xương thường được thực hiện ở các vị trí như cột sống, cổ tay, cổ xương đùi hay gót chân...
Đo mật độ xương (đo đậm độ xương) DEXA scans có tác dụng ra sao. Ai nên làm các xét nghiệm này.
Đo mật độ xương DEXA scans là đo độ hấp thu tia X hai nguồn năng lượng (dual energy X-ray absorptiometry), từ đó đo độ đậm của xương. Mô nào có độ đậm đặc càng cao thì tia X đi xuyên qua mô nó càng thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc xương càng chắc và khó gãy nếu độ đậm đặc của xương càng cao.
Những người có các dấu hiệu nguy cơ bị loãng xương cao, dễ dẫn đến bị gãy xương mới cần tiến hành đo DEXA scan. Đo DEXA scan giúp cho người bệnh được điều trị từ sớm, cho xương chắc khỏe hơn, phòng tránh được nguy cơ bị gãy xương.
- Phụ nữ trước khi bị mãn kinh, có những đợt mất kinh kéo dài hơn 1 năm.
- Người bệnh ít hơn 45 tuổi, bị mãn kinh sớm.
- Chấn thương nhẹ hoặc bị gãy xương sau khi té ngã.
- Có chỉ số khối cơ thể ( BMI – Body Mass Index ) nhỏ hơn 19.
- Giảm chiều cao do gãy đốt sống.
- Người sử dụng steroid từ 3 tháng trở lên.
- Người mắc các bệnh như đại tràng hoặc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ mắc loãng xương cao
4. Điều trị và Chăm sóc
Các phương pháp điều trị loãng xương
Điều trị bằng thuốc:
Điều trị loãng xương chủ yếu sử dụng các loại thuốc chống hủy xương và thuốc tái tạo xương nhằm kìm hãm quá trình mất calci dẫn tới tình trạng xương bị phân hủy, thúc đẩy quá trình tái tạo xương, hấp thu calci tốt hơn.
Điều trị không cần dùng thuốc:
- Chế độ ăn uống: Ăn những loại thức ăn giàu canxi, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, cafe, rượu, tránh thừa cân hoặc thiếu cân...
- Chế độ sinh hoạt: Tăng cường vận động với những môn thể thao vừa sức, tránh té ngã…
- Sử dụng các dụng cụ, nẹp chỉnh hình (cho cột sống, cho khớp háng) để làm giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.
Điều trị triệu chứng:
- Chỉ định calcitonine và các thuốc giảm đau theo bậc thang của tổ chức y tế thế giới để làm giảm đau.
- Chèn ép rễ thần kinh liên sườn, nẹp cố định vùng thắt lưng, thường xuyên thay đổi tư thế ngồi hoặc đứng. Trong những trường hợp đau, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau tạm thời.
Strontium và Forteo trong điều trị loãng xương
- Strontium ranelate là một thuốc mới xuất hiện điều trị loãng xương. Thuốc có khả năng tăng bắt giữ canxi và tạo xương, ngăn ngừa phá hủy xương. Thuốc được dùng theo đường uống, dùng thuốc hàng ngày giúp làm giảm 40% nguy cơ bị gãy đốt sống.
- Teriparatide hay biệt dược Forteo là loại thuốc mạnh, xử lý loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh và nam giới có nguy cơ gãy xương cao. Cơ chế hoạt động của thuốc là kích thích phát triển xương mới, trong khi các thuốc khác ngăn chặn sự mất xương.
Đau khớp là biểu hiện của loãng xương
Theo dõi điều trị và chăm sóc người bị bệnh loãng xương
- Bệnh nhân mắc bệnh loãng xương cần phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát để nghiêm túc tuân thủ điều trị của bác sĩ. Loãng xương là căn bệnh cần điều trị kiên trì, nếu không tuân thủ điều trị, sẽ không có hiệu quả và bệnh sẽ tiến triển nặng thêm.
- Đo xương khớp 6 tháng đến 1 năm để theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.
- Thời gian điều trị kéo dài đến vài năm, sau đó tiến hành đánh giá lại tình trạng bệnh và quyết định các phương pháp điều trị tiếp theo.
5. Biến chứng của bệnh loãng xương
Các biến chứng từ bệnh loãng xương
- Đau kéo dài từ năm này qua năm khác.
- Cột sống bị gù vẹo, biến dạng lồng ngực…
- Giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người bệnh.
- Hậu quả nghiêm trọng của loãng xương là gãy xương. Gãy xương thường khó bình phục, có thể để lại thương tật suốt đời cho người bệnh do đó ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.
- Bệnh Paget xương là gì
Paget xương còn được gọi là viêm xương biến dạng, một căn bệnh về xương khớp phổ biến trên thế giới, thường gặp ở nam giới từ tuổi trung niên trở lên. Cụ thể paget xương là một dạng rối loạn giữa việc duy trì và phục hồi xương, dẫn đến hình thành nên một tổ chức xương mới có cấu trúc bất thường.
6. Khả năng mắc bệnh và cách phòng ngừa loãng xương
Đối tượng nào có nguy cơ bị loãng xương. Bổ sung vitamin D có ích gì trong việc phòng ngừa loãng xương.
- Đối tượng nào có nguy cơ bị loãng xương:
+ Phụ nữ sau mãn kinh, không còn nội tiết tố có chức năng ức chế hoạt động của các tế bào phá hủy xương.
+ Người nằm bất động quá lâu do bệnh tật, các tế bào phá hủy xương có cơ hội phát triển.
+ Người mắc bệnh suy thận mãn tính hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày mất nhiều canxi.
+ Người mắc các bệnh xương khớp mãn tính.
- Bổ sung vitamin D có ích gì trong việc phòng ngừa loãng xương.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, nếu thiếu vitamin D, xương trở nên giòn và yếu. Chúng ta có thể bổ sung vitamin D bằng các thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, vitamin D có ít trong thực phẩm tự nhiên trừ một vài loại cá biển béo (nhất là trong gan của chúng) hoặc có thể bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng thuốc.
- Chế độ ăn uống và các bài tập thể dục chống loãng xương
- Cách phòng chống hiệu quả nhất là ăn chế độ ăn giàu canxi, vitamin D như uống sữa, ăn tôm, cua, các loại rau xanh và tăng cường chế độ luyện tập thể thao. Đặc biệt, nên thường xuyên rèn luyện ngoài trời để cơ thể có thời gian hấp thụ vitamin D một cách tự nhiên.
Chế độ ăn uống chứa nhiều canxi giúp phòng chống loãng xương
- Ngoài ra, thường xuyên vận động kích thích sự hình thành xương và tăng cường gân cốt tránh gãy xương, xương bị rạn nứt, cho xương chắc khỏe dẻo dai hơn. Tuy nhiên khi vận động phải chú ý, tránh trượt ngã và nên tăng cường vận động phù hợp với thể trạng sức khoẻ.