Hen Suyễn ở trẻ: nguyên nhân và cách điều trị
Hen suyễn là gì? Hen suyễn ở trẻ. Những loại hen suyễn thường gặp ở trẻ
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản là chứng bệnh về đường hô hấp, thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Tỉ lệ trẻ em mắc hen suyễn trên thế giới cao gấp đôi so với người lớn. Theo WHO, trên toàn thế giới có khoảng 7 – 10% trẻ em mắc hen suyễn và cứ 20 năm số trẻ em mắc bệnh này lại tăng lên từ 2 – 3 lần. Hen suyễn là căn bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, mục tiêu chính của điều trị là kiểm soát tốt bệnh, giảm tần suất và hậu quả của các cơn hen, ngăn ngừa các biến chứng đáng tiếc xảy ra cho trẻ.
Hen suyễn ở trẻ là tình trạng đường dẫn khí bị viêm mãn tính gây phù nề và chít hẹp đường thở làm cho trẻ khó thở và thở khò khè. Trẻ bị hen suyễn thường xảy ra những cơn co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy trong niêm mạc phế quản, cản trở sự lưu thông của đường khí nên trẻ càng trở nên khó thở. Mức độ khó thở phụ thuộc vào sự co thắt của phế quản và sự bài tiết của dịch nhầy. Trẻ bị hen suyễn rất nhạy cảm với các chất kích thích như lông vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết, khói bụi… Hen suyễn là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nên các bậc phụ huynh cần lưu tâm để kịp thời điều trị và ngăn chặn sự tấn công của hen suyễn tới con em mình.
Hen suyễn là chứng bệnh phổ biển ở trẻ em trên thế giới
Các loại hen suyễn ở trẻ:
- Cơn hen nhẹ và ngắt quãng: các cơn hen thỉnh thoảng mới xuất hiện và thường xảy ra vào ban ngày khoảng 1 tuần/lần. Trẻ vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường.
- Cơn hen nhẹ nhưng kéo dài dai dẳng: các cơn hen xảy ra ở mức độ nhẹ, thường diễn ra vào ban ngày và dưới 1 tuần/lần.
- Cơn hen trung bình và dai dẳng: các cơn hen xảy ra vào ban ngày, ảnh hưởng đến hoạt động của trẻ.
- Cơn hen nặng và dai dẳng: các cơn hen diễn ra thường xuyên và kéo dài, hạn chế các hoạt động vui chơi và thể lực của trẻ. Những cơn hen còn thường xuất hiện vào ban đêm khiến trẻ khó ngủ và quấy khóc.
- Cơn hen ác tính: Các cơn hen diễn ra thường xuyên, hàng ngày và nặng hơn về chiều và đêm làm trẻ khó thở nhưng không có hiện tượng sốt.
Nguyên nhân hen suyễn ở trẻ
- Thay đổi thời tiết: sự thay đổi đột ngột của nền nhiệt từ nắng ấm sang lạnh, gió mùa đông bắc làm nhiệt độ giảm mạnh cùng với môi trường ẩm ướt dễ khiến trẻ bị cảm lạnh hoặc ho do mặc không đủ ấm, tắm lạnh hoặc mặc quần áo bị ướt (do nghịch nước hoặc tè dầm ra quần)… Những trẻ có tiền sử bệnh hen phế quản sẽ rất dễ tái phát khi gặp những điều kiện trên.
- Do tiếp xúc với lông của một số vật nuôi như chó mèo cũng dễ làm khởi phát những cơn hen suyễn ở trẻ. Thói quen chơi với chó mèo hoặc ngủ cùng chó mèo tiềm ẩn nguy cơ hen suyễn ở trẻ.
Trẻ thường xuyên tiếp xúc với lông chó mèo dễ có nguy cơ bị hen suyễn
- Do trẻ bị tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bọ mạt, hóa chất và ăn một số thức ăn gây kích hoạt cơn hen như bò, trứng gia cầm, gà, tôm, cua, ốc… dễ làm khởi phát những cơn hen suyễn.
- Do mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm VA, viêm phế quản khiến trẻ có nguy cơ mắc hen suyễn nếu các bệnh trên không được kiểm soát và điều trị kịp thời.
- Do gắng sức như khóc, leo cầu thang chạy nhảy hoặc đùa nghịch quá mức làm xuất hiện những cơn ho liên tục và kéo dài. Lúc này trẻ cần nhiều oxy hơn để thở nên sẽ thở nhanh qua đường miệng, đường thở phản ứng lại với không khí lạnh bằng cách co thắt các cơ phế quản làm hẹp đường thở.
- Khói và bụi bẩn: khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp từ đun rơm rạ, củi, rác đặc biệt là khói khí của bếp than đá là điều kiện lí tưởng để khởi phát cơn hen suyễn. Những vùng đô thị bị ô nhiễm, môi trường vệ sinh không tốt là yếu tố làm xuất hiện những cơn hen ở trẻ.
- Do vi rút hoặc vi khuẩn: vi rút hoặc vi khuẩn tấn công làm nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ là điều kiện thuận lợi để các cơn hen xuất hiện.
- Do di truyền: Những trẻ sinh ra trong gia đình có bố hoặc mẹ bị hen suyễn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ bình thường.
- Những trẻ có sức đề kháng yếu dễ mắc hen suyễn hơn những trẻ khỏe mạnh.
Những trẻ có sức đề kháng yếu dễ mắc hen suyễn
Triệu chứng
- Trẻ dễ bị cảm lạnh, ho, nghẹt mũi, sổ mũi trong thời tiết lạnh khi giao mùa và lâu khỏi mặc dù đã uống thuốc cảm và áp dụng nhiều phương pháp giải cảm khác. Bệnh thường kéo dài liên tục từ 10 – 15 ngày rồi mới từ từ bình phục.
- Khi trẻ ăn các món ăn lạ như thịt bò, thịt gà, hải sản, măng tây hoặc những thức ăn có tính nóng… xuất hiện những cơn ho, khó thở kèm theo đau tức ở ngực.
- Trẻ bị hắt hơi, ho, cảm và sổ mũi vào một thời điểm cố định trong một năm nhất là khi thời tiết chuyển mùa hoặc lạnh giống như đồng hồ sinh học vậy.
- Trẻ khó thích nghi khi trời lạnh, nhiệt độ giảm thấp. Cơn hen thường xuất hiện vào mỗi buổi sáng sớm hoặc nửa đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của trẻ khiến trẻ khó thở, quấy khóc.
- Trẻ bị mệt mỏi, thờ khò khè, thở ngắt quãng, thở hắt, hơi thở không đều, cơ thể trẻ rất mệt mỏi vì không được cung cấp đủ oxy.
Trẻ bị hen suyễn thường ho kèm theo nghẹt mũi và chảy nước mũi
- Các bậc phụ huynh nên cảnh giác với các triệu chứng điển hình của một cơn hen ở trẻ như bắt đầu hắt hơi, mũi bị ngứa, ngứa họng, khó thở, thở càng lúc càng khò khè, đôi khi trẻ phải ngồi chồm người dậy để thở và phải dùng các cơ hô hấp phụ. Ngoài ra kèm theo dấu hiệu ho, nặng ngực, sắc mặt tái đi tái lại khi vận động mạnh hoặc tiếp xúc với các yếu tố làm khởi phát cơn hen, thay đổi thời tiết…
- Những cơn hen ở trẻ có khi được biểu hiện ở dạng viêm phế quản khó thở. Trẻ bị khó thở kèm theo ho tiết dịch nhờn nhiều, cơn hen bắt đầu và kết thúc một cách đột ngột.
- Ho dai dẳng: ho trong hen suyễn có thể tự khỏi hoặc có thể tiến triển nặng hơn trong các điều kiện nhất định. Ho thường nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm khi nhiệt độ giảm tới mức thấp nhất. Có khi ho dẫn đến ói mửa, ảnh hưởng đến cơ thể và giấc ngủ của trẻ.
- Nặng ngực: ở trẻ nhỏ những cơn hen suyễn chỉ biểu hiện thành những cơn ho giống như ho gà, trong phổi có tiếng rít còn đối với trẻ lớn hơn những cơn hen còn kèm theo dấu hiệu nặng ngực, đau tức ở ngực và khó thở.
Trẻ mắc hen suyễn cảm thấy khó thở và đau tức ở ngực
Ngoài những triệu chứng cụ thể trên, hen suyễn ở trẻ còn biểu hiện thành những mức độ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bị bệnh của trẻ:
- Đối với cơn hen suyễn nhẹ: thường xuất hiện khi trẻ hoạt động gắng sức như khóc, leo cầu thang, chạy nhảy, nô đùa quá mức. Những cơn ho thường là ho gà, trẻ có thể nói được câu dài mà không bị ngắt quãng. Nghe phổi qua ống nghe thấy có tiếng ran rít.
- Đối với cơn hen suyễn vừa: cơn ho xuất hiện khi trẻ bị gắng sức, tiếng nói bị ngắt quãng, bắt đầu xuất hiện hiện tượng kéo co lồng ngực, hõm ức và hố thượng đòn. Nghe phổi có tiếng ran rít khi thở ra.
- Đối với cơn hen suyễn nặng: trẻ khó thở kèm theo ho kể cả khi nghỉ ngơi, hai cánh mũi phập phồng, trẻ không thể bú được, xuất hiện hiện tượng co kéo lồng ngực, hố thượng đòn hiện rõ, môi tím tái. Khóc và nói rất khó khăn, chỉ nói được một từ. Nghe phổi có tiếng ran rít cả khi thở ra và hít vào.
- Đối với cơn hen suyễn rất nặng: trẻ bị hen suyễn ác tính, khó thở dữ dội, không thể nói hoặc khóc, nghe phổi có tiếng ran. Cơn hen suyễn xảy ra trong nhiều ngày liên tiếp nên không được điều trị kịp thời.
Ho dai dẳng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ
Những phương pháp chẩn đoán và điều trị
- Phương pháp chẩn đoán:
+ Đo hô hấp kí để chẩn đoán hen suyễn ở trẻ khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ.
+ Nghiệm pháp gắng sức: cho trẻ thử sức trong những vận động như leo cầu thang, chạy nhảy để phát hiện và chẩn đoán hen suyễn. Tuy nhiên phương pháp này thường khó thực hiện ở trẻ dưới 6 tuổi.
+ Xét nghiệm máu để đánh giá mức độ dị ứng ở trẻ. Một số trẻ có cơ thể vô cùng nhạy cảm với các yếu tố dị ứng.
- Phương pháp điều trị:
Hen suyễn là căn bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được để giảm bớt tần suất của những cơn hen giúp trẻ có cuộc sống bình thường. Trẻ mắc hen suyễn cần tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ, uống thuốc đều đặn và tái khám định kì. Nếu bệnh hen suyễn được chẩn đoán là do di truyền thì không có biện pháp nào để ngăn chặn sự phát triển của bệnh mà chỉ có thể điều trị bằng thuốc để kiểm soát những cơn hen:
+ Điều trị hen suyễn ở trẻ em cần chú ý điều trị dự phòng là quan trọng nhất, khi trẻ có dấu hiệu của cơn hen cấp tính cần kịp thời xử lí và theo dõi chặt chẽ. Trong đó, phương pháp điều trị dự phòng tốt nhất là nhóm thuốc corticoid dạng hít, nên cho trẻ hít với liều ban đầu ở mức thấp. Sau đó tăng dần lên tới trung bình hoặc cao đến khi các cơn hen có thể kiểm soát được.
Cho trẻ hít corticoid để giúp cắt các cơn hen suyễn
+ Cứ 3 tháng cần đưa trẻ đi khám bác sĩ một lần, nếu các cơn hen suyễn đã được kiểm soát được tốt nên hạ thuốc. Sau 1 năm điều trị mà bệnh hen đã được kiểm soát hoàn toàn thì trẻ có thể ngừng điều trị dự phòng. Không nên ngừng thuốc điều trị đột ngột vì có thể khiến các cơn hen tái phát và bệnh sẽ tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên, vì để lại nhiều tác dụng phụ nên các thuốc nhóm corticoid được các bác sĩ khuyên nên hạn chế sử dụng, chỉ nên dùng khi những cơn hen suyễn bùng phát nặng.
+ Thuốc nhóm chủ vận: loại thuốc này có tác dụng kéo dài nên chỉ được dùng phối hợp với nhóm thuốc corticoid dạng hít. Nhóm thuốc chủ vận có thể được chỉ định điều trị dự phòng hàng ngày khi trẻ đã dùng corticoid dạng hít ở liều trung bình mà vẫn không kiểm soát được bệnh.
+ Thuốc nhóm kháng leucotriene: nhóm thuốc này được chỉ định ở những trẻ mắc hen suyễn nặng, không thể được kiểm soát ngay cả khi đã hít corticoid liều cao. Để có thể cắt cơn hen cần cho trẻ dùng thuốc nhóm chủ vận b2 có tác dụng nhanh. Cha mẹ cần lưu ý dự trữ thuốc trong nhà và cho trẻ mang theo thuốc bên mình để kịp thời cắt cơn hen cho trẻ. Trong trường hợp trẻ phải thường xuyên cắt các cơn hen cần tăng liều thuốc dự phòng cho trẻ. Khi trẻ ho, thở nhanh >70 lần/phút có dấu hiệu tím tái, khóc yếu ớt hoặc nói khó khăn mà xịt thuốc cắt cơn không đỡ thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để hồi sức cho trẻ càng sớm càng tốt.
+ Thuốc cắt cơn hen: các loại thuốc có tác dụng chặn đứng các cơn hen một cách nhanh chóng khi làm giãn các cơ của đường dẫn khí, mở rộng đường dẫn khí đang bị thu hẹp. Các loại thuốc cắt cơn phổ biến hiện nay là ventolin (salbutamol), bricanyl (terbutaline)… dưới dạng xịt hoặc phun khí dung. Thuốc này còn được các bác sĩ sử dụng để cấp cứu cho trẻ khi bị hen suyễn nặng.
Phun khí dung giúp trẻ cắt được cơn hen, dễ thở hơn
+ Thuốc kiểm soát những cơn hen: nhóm thuốc có tác dụng kéo dài giúp ngăn chặn các cơn hen bao gồm thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản. Trong đó, Thuốc chống viêm được sử dụng nhiều để làm giảm tình trạng viêm từ đó giúp giảm sự chít hẹp đường dẫn khí do bị phù nề hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Thuốc chống viêm phổ biến hiện nay là các loại corticoid hít dưới dạng đơn chất pulmicort, flixotide hoặc phối hợp symbicort, seretide…
Ngoài ra các bậc cha mẹ có thể giảm thiểu và kiểm soát được căn bệnh này nhớ tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn sau:
+ Tuyệt đối không để trẻ hít vào hay tiếp xúc với khói thuốc lá. Khói thuốc là tác nhân tuy không gây dị ứng nhưng nếu trẻ hít vào có thể gây sưng phổi.
+ Tránh tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, không sử dụng lò sưởi hoặc bếp lò vì khói xuất phát từ bếp lò là tác nhân dị ứng kích thích hệ hô hấp của trẻ.
+ Không cho trẻ tiếp xúc với thú nuôi vì lông của các con vật nuôi như chó, mèo có thể gây dị ứng tới hệ hô hấp của trẻ. Đồng thời giảm nấm mốc, khói bụi và mùi thức ăn trong nhà bằng cách lắp những chiếc quạt gió hoặc mở cửa sổ nhà bếp trong khi nấu ăn.
+ Tránh sử dụng hay mặc quần áo còn ẩm ướt để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Nếu thấy cần thiết, nên lắp đặt một chiếc điều hòa hay máy chống ẩm để giữ độ ẩm trong nhà ở mức 35 – 50%.
+ Tránh để cho trẻ bị cảm cúm và cảm lạnh vì 2 triệu chứng này rất nguy hiểm đối với trẻ đang bị hen suyễn và gây bất lợi cho quá trình điều trị hen suyễn ở trẻ. Các bậc cha mẹ có thể ngăn chặn nguy cơ bị cảm cho trẻ bằng cách hạn chế các tác nhân gây bệnh, giữ gìn vệ sinh, tăng sức đề kháng và không cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm.
+ Nếu trẻ lên cơn hen suyễn có kèm theo sốt, cảm hoặc nguy cơ bị ốm thì không nên cho trẻ ra ngoài hoặc đến trường ít nhất trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện ra bệnh.
+ Đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kì vì trẻ mắc hen suyễn rất nhạy cảm với các bệnh khác về đường hô hấp. Do đó nếu cần tiêm phòng bệnh đường hô hấp thì nên đưa trẻ đi tiêm định kì theo hướng dẫn của bác sĩ.
+ Hướng dẫn và cho trẻ uống thuốc đều đặn, đúng liều theo chỉ dẫn của bác sĩ và luôn mang theo thuốc bên mình cho trẻ vào bất cứ lúc nào. Phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ dùng thuốc vì trẻ có thể dùng thuốc quá liều hoặc không đủ liều hoặc không mang theo thuốc bên mình. Điều này sẽ gây nguy hiểm nếu trẻ nên cơn hen.
+ Thường xuyên liên lạc với y tá hoặc giáo viên ở trường. Cần thông báo tình trạng bệnh của trẻ cho nhà trường và giáo viên trước khi cho trẻ nhập học để có những bài tập phù hợp tránh các hoạt động gắng sức và kịp thời, chủ động trong các tình huống trẻ nên cơn hen suyễn tại trường học.
Đối với trẻ bị hen suyễn cần vận động vừa phải, tránh gắng sức
Biến chứng hen suyễn ở trẻ
Hen suyễn ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh hoạt của trẻ.
- Xẹp phổi: biến chứng xẹp phổi xảy ra ở 1/3 trẻ em bị hen suyễn khiến trẻ phải nhập viện để điều trị. Khi cơn hen suyễn được điều trị ổn định, tình trạng này sẽ khỏi và phổi của trẻ sẽ hoạt động trở lại bình thường.
- Nhiễm khuẩn đường phế quản: khi giao mùa, độ ẩm không khí cao các vi rút và vi khuẩn phát triển mạnh gây viêm nhiễm các vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới làm khởi phát các cơn hen suyễn và có nguy cơ tiến triển thành nặng hơn.
- Giãn phế nang: mức độ đàn hồi của các phế nang ở trẻ mắc hen suyễn sẽ giảm dần dẫn tới thể tích khí thở ra ít, lượng khí cặn ngày càng tăng trong cơ thể. Hiện tượng này còn được gọi là bệnh khí phế thũng.
- Tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất: các phế nang giãn rộng làm mạch máu thưa thớt và khả năng nuôi dưỡng kém làm tăng áp lực trong phế nang. Khi trẻ vận động gắng sức hoặc ho mạnh khiến thành phế nang bị bục vỡ dẫn tới tràn màng phổi và tràn khí trung thất.
- Tâm phế mạn tính: trẻ bị khó thở khi hoạt động gắng sức, đau ở hạ sườn phải, thường xuyên bị tím tái và kích thước gan có thể to hoặc mấp mé bên sườn. Thời gian hen suyễn dẫn đến tâm phế mạn tính ở từng trẻ là khác nhau, có thể từ 5 – 10 năm hoặc lâu hơn.
- Ngừng hô hấp kèm não bị tổn thương: hen suyễn kéo dài với những cơn hen diễn ra thường xuyên làm lượng oxy lên não kém dẫn đến tổn thương não.
- Suy hô hấp: biến chứng suy hô hấp thường gặp ở những trẻ bị hen ác tính. Trẻ khó thở, tím tái liên tục, thậm chí ngừng thở và phải thở bằng máy hỗ trợ. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ bị hen suyễn.
Chăm sóc trẻ bị hen suyễn và kiểm soát bệnh
- Khi trẻ có dấu hiệu bị hen suyễn cần đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa nhi để khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nghe theo mách bảo của người thân, bạn bè không có kinh nghiệm về hen suyễn ở trẻ em.
- Không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ vì có thể gây nên nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Không nên tự ý mua thuốc để điều trị cho trẻ bị hen suyễn
- Cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định điều trị của bác sĩ. Hướng dẫn, theo dõi và cho trẻ uống thuốc đúng liều, đúng thời gian và thực hiện các biện pháp dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ vì đối với trẻ bị hen suyễn ngoài việc điều trị cắt cơn hen cần phải điều trị dự phòng để ngăn ngừa các cơn hen tái phát.
- Những khi trẻ bị lên cơn hen tuyệt đối không được tắm cho trẻ, không nên cho trẻ chơi, ngồi hoặc bế ra chỗ gió lạnh sẽ làm trẻ bị lạnh đột ngột, khiến cơn hen tiến triển nặng hơn.
- Đối với trẻ lớn, cha mẹ và người thân cần động viên, an ủi trẻ không nên để trẻ buồn, lo lắng và chán nản về bệnh tình của mình.
- Khi trẻ lên cơn hen cấp cần đặt trẻ ở chỗ thoáng, không khí trong lành và cho trẻ uống nhiều nước hoặc hít corticoid làm đờm loãng ra để trẻ dễ thở.
- Nếu trẻ lên cơn hen nhẹ cần cho trẻ dùng các thuốc giãn phế quản để giúp trẻ dễ thở hơn. Liều lượng cần tùy theo lứa tuổi, cân nặng ở trẻ và hướng dẫn của bác sĩ.
Cần trang bị lò sưởi để giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh
- Khi trẻ lên cơn hen nặng không bú được, khó thở, thở gấp, môi tím tái… cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
- Không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn làm khởi phát cơn hen như tôm, cua, ốc.
Phòng ngừa hen suyễn ở trẻ
- Lưu ý mặc ấm cho trẻ khi trời lạnh, đặc biệt là khi ra khỏi nhà.
- Vào mùa lạnh, tắm cho trẻ ở chỗ kín, không có gió lùa, tắm bằng nước ấm, tắm nhanh và phải lau khô người và mặc quần áo ấm cho trẻ ngay sau khi tắm xong.
- Mỗi khi tắm rửa cho trẻ trong mùa lạnh, cần chuẩn bị một số phương tiện như lò sưởi, điều hòa nóng để sau khi tắm, rửa xong trẻ được tiếp xúc với không khí ấm, hạn chế bị lạnh đột ngột khiến trẻ dễ bị cảm lạnh và lên cơn hen đối với những trẻ có tiền sử bị bệnh hen.
- Tuyệt đối không được hút thuốc trong nhà có trẻ em.
Tuyệt đối không được hút thuốc trong nhà có trẻ nhỏ
- Không nên nuôi chó mèo trong nhà để tránh trẻ tiếp xúc với lông của chúng.
- Thường xuyên phơi chăn, ga, gối đệm khi trời nắng, tránh để mạt gà chui vào.
- Trong phòng ngủ của trẻ không nên quét bằng chổi khi làm vệ sinh mà nên lau bụi bằng khăn ướt hoặc hút bụi bằng máy.
- Không dùng thảm, không cho trẻ chơi các đồ chơi được làm từ bông, lông, sợi, thường xuyên vệ sinh chăn màn và phòng ở.
- Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn công nghiệp có chứa các chất bảo quản.
- Tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ.
- Đối với trẻ có tiền sử bị hen suyễn nếu có thể thì nên chuyển trẻ đến sinh sống ở những nơi có khí hậu ấm áp và trong lành hơn.
- Khi thấy trẻ bị quấy khóc và ho, ho càng trở nên dữ dội khi bị la mắng thì các bậc cha mẹ cần thận trọng theo dõi vì tình trạng này có thể xấu đi và làm xuất hiện các cơn hen suyễn kèm theo ói mửa cùng các màu xanh tím quanh miệng.
- Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài đường để tránh khói bụi.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm.
- Tránh vận động gắng sức ở trẻ.
- Tránh căng thẳng, stress trong gia đình, trường hợp, tránh để trẻ vui buồn quá độ.
- Cho trẻ ăn uống đủ dưỡng chất hàng ngày, tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Tăng cường vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ