Tiêm phòng ở trẻ và những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe của bé
Vì sao cần phải tiêm phòng cho trẻ
Tiêm phòng là việc làm hết sức cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong những năm tháng đầu đời, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. Tiêm phòng còn giúp ngăn chặn nhiều đại dịch của những căn bệnh nguy hiểm, chính nhờ tiêm phòng đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Tiêm phòng vacxin cho trẻ mang lại nhiều lợi ích cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và bảo vệ cả cộng đồng.
Vacxin dùng để tiêm cho trẻ được sản xuất từ các vi sinh vật (hoặc một phần vi sinh) đã chết hoặc làm cho suy yếu. Vì vậy khi tiêm vacxin vào cơ thể của trẻ sẽ giúp trẻ dần chống chọi lại và nâng cao hệ miễn dịch. Do các vi sinh vật đã bị làm cho suy yếu hoặc chết nên vacxin rất ít có khả năng gây bệnh ở trẻ.
Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp cần thiết
- Tiêm vacxin bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh di truyền từ người mẹ. Trẻ sơ sinh tồn tại hệ miễn dịch với nhiều loại bệnh vì chúng được tiếp nhận sức đề kháng của người mẹ. Nhưng hệ miễn dịch này chỉ có thể kéo dài từ 1 tháng cho tới 1 năm. Đồng thời, trẻ sẽ không có được sự miễn dịch từ người mẹ đối với một số bệnh như ho gà. Những loại bệnh này chỉ được phòng tránh bằng cách cho trẻ tiêm vacxin.
- Tiêm vacxin làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Theo WHO, tiêm vacxin là một trong những cách tốt nhất để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Thống kê trên thế giới cho thấy trước khi vacxin ra đời, những bệnh như bại liệt, rubella, sởi, đậu mùa, bạch hầu hoành hành và gây tổn hại đến nhiều trẻ em, thậm chí là tử vong. Hiện nay với sự ra đời của nhiều loại vacxin, những căn bệnh trên sẽ được ngăn ngừa từ rất sớm nên tỉ lệ mắc bệnh và tử vong của trẻ em trên toàn thế giới đã giảm rõ rệt. Ở những trường hợp bị nhiễm bệnh, tình trạng bệnh không quá nặng so với trẻ không được tiêm phòng. Như vậy, tiêm vacxin sẽ giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh cho trẻ hoặc làm giảm các triệu chứng khi trẻ mắc phải.
- Tiêm phòng để bảo vệ cộng đồng khỏi bệnh tật. Tiêm phòng không chỉ giúp trẻ em được mạnh khỏe mà còn bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng. Tiêm phòng với từng cá nhân là góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng, nhất là những người không được miễn dịch do chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc không đủ điều kiện để tiêm phòng. Tiêm phòng sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh sang những trẻ chưa được tiêm chủng. Đồng thời tiêm phòng còn làm chậm lại hoặc ngăn chặn sự lây lan của các vụ dịch nguy hiểm.
- Tiêm phòng cho trẻ để bảo vệ tương lai: Tiêm phòng đầy đủ sẽ giúp bảo vệ con em của chúng ta. Việc tiêm phòng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật và lập kế hoạch trước cho một tương lai khỏe mạnh và tươi sáng.
Tiêm phòng cho trẻ là góp phần bảo vệ cộng đồng
Tiêm phòng cho trẻ được thực hiện như thế nào
- Bệnh lao: Trẻ sinh được một tuần cần được tiêm vacxin BCG để phòng ngừa bệnh lao. Vị trí tiêm trong da, sau khi tiêm có thể nổi mụn đỏ, sưng hoặc loét nhẹ ở chỗ tiêm.
Những trường hợp chống chỉ định tiêm mũi lao: Trẻ mắc bệnh viêm da có mủ, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bệnh tai mũi họng, viêm phổi hoặc sốt trên 37,5 độ C, những trẻ bị nhiễm HIV… Tiêm BCG có hiệu quả lâu dài, bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh lao.
- Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: những trẻ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm phòng các bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván cùng một lúc. Vacxin tiêm chủng sẽ được pha trộn chung, tên viết tắt là DTP hoặc DTC và vị trí tiêm là bắp thịt của trẻ.
Theo lịch tiêm chủng của tổ chức y tế thế giới, trẻ sẽ được tiêm đầy đủ 8 liều cách nhau ít nhất 30 ngày. Liều thứ nhất được tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi, tiêm liều thứ ba khi trẻ được 1 năm và trẻ sẽ được tiêm nhắc lại sau khi tiêm mũi thứ 3 được 1 năm. Tại vị trí tiêm trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ, sưng tấy nhẹ và sốt 38 – 39 độ C. Những trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn thần kinh, sốt cao… không được tiêm phòng bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý lịch tiêm phòng và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ
- Bệnh bại liệt: trẻ sẽ được tiêm phòng bại liệt cùng với thời điểm tiêm phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván. Vacxin phòng bại liệt cho trẻ ở dạng uống (vacxin sabin). Trẻ sẽ được uống 3 lần vào các thời điểm 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Với vacxin phòng ngừa bại liệt, trẻ sẽ được bảo vệ trong 10 năm. Sau khi uống vacxin phòng ngừa bại liệt, trẻ có thể bị nhức đầu, tiêu chảy, đau cơ và rất hiếm trường hợp bị liệt mềm cấp.
Những trẻ đang bị sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, đang điều trị với thuốc corticoid, uống vacxin phòng bại liệt. Đối với một số trẻ không uống được có thể tiêm.
- Bệnh sởi: Khi trẻ được 9 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng sởi. Vacxin phòng bệnh sởi sẽ được tiêm dưới da và có tác dụng bảo vệ trẻ trong nhiều năm. Sau khi tiêm trẻ có thể bị nổi mụn nước, sưng đỏ, sốt, sổ mũi, ho và nhức đầu. Vacxin phòng bệnh sởi chỉ được tiêm một lần. Những trẻ đang bị sốt cao, nhiễm HIV cần hoãn tiêm vacxin phòng sởi.
- Bệnh viêm gan B:
Bắt đầu từ năm 1995, chính thức đưa phòng ngừa viêm gan siêu vi B (VGSVB) vào chương trình Tiêm chủng trên toàn thế giới. Tất cả trẻ em sẽ được tiêm phòng 3 mũi:
§ Mũi 1: 0-2 tháng tuổi.
§ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1-4 tháng.
§ Mũi 3: sau mũi 2 từ 6-18 tháng.
Hầu hết các vacxin phòng ngừa VGSVB đều an toàn. Rất ít các trường hợp trẻ sau khi tiêm VGSVB bị sốt nhẹ, nôn ói, chóng mặt, đau chỗ tiêm, mệt mỏi.
Đối với những trẻ sơ sinh nhẹ cân (nhỏ hơn 1,5kg) nên chờ cho đến khi trẻ đạt 2kg hoặc từ 2 tháng tuổi trở lên mới tiêm vacxin VGSVB.
Tiêm phòng sẽ bảo vệ con cái bạn trong những năm tháng đầu đời
- Bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm, để phòng ngừa trẻ cần được tiêm 3 mũi dưới da:
§ Mũi 1: Khi trẻ hơn 1 tuổi.
§ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1-2 tuần.
§ Mũi 3: sau mũi thứ 2 khoảng 1 năm.
Sau khi tiêm, trẻ sẽ bị ớn lạnh, sốt sau, đau đầu và sưng tấy ở vị trí tiêm tiêm. Tiêm phòng viêm não Nhật Bản không được thực hiện ở những trẻ đang bị sốt cao, mắc các bệnh về tim, thận, gan, suy dinh dưỡng, ung thư máu hoặc tiểu đường và nhất là những trẻ dị ứng với vacxin ngừa viêm não Nhật Bản.
Những lưu ý trước khi tiêm phòng cho trẻ
- Những trẻ đang bị sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm phổi, sỏi, thương hàn… những trẻ mới khỏi các bệnh kể trên và đang trong giai đoạn hồi sức, những trẻ bị viêm da mủ hoặc bị chàm da không được tiêm phòng bất cứ loại vacxin nào. Vì có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ.
- Những trẻ mắc một số bệnh mãn tính đang tiến triển thành lao phổi, tràn dịch màng phổi, đặc biệt những trẻ mắc bệnh thận cũng không được tiêm chủng vacxin phòng bệnh.
Những trẻ đang trong tình trạng sốt cao sẽ không được tiêm vacxin
- Các bà mẹ cần theo dõi lịch tiêm phòng và cho trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch để tác dụng phòng bệnh đạt hiệu quả cao.
- Phải đảm bảo khi trẻ đi tiêm phòng không có vấn đề gì về sức khỏe và bệnh tật. Trường hợp trẻ bị sốt nhẹ, tiêu chảy nhẹ, ho và chảy mủi, suy dinh dưỡng… mà ở thời điểm tiêm phòng không bị sốt thì vẫn có thể cho trẻ tiêm phòng được.
- Khi đưa trẻ đi tiêm phòng cần lưu ý giữ ấm cho trẻ, đi tất (vớ) để giữ ấm chân tay cho trẻ, không để trẻ bị gió lùa để trẻ không bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên cũng không nên trùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến trẻ bị khó thở, mồ hôi không thoát ra được ngấm ngược lại cơ thể khiến trẻ bị viêm phổi hoặc ngạt.
- Chú ý đảm bảo dinh dưỡng, cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm, không nên cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói. Đồng thời, vệ sinh cho trẻ sạch sẽ để tránh trẻ bị nhiễm trùng.
- Khi đi tiêm phòng cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để các bác sĩ và y tá dễ thực hiện các thao tác thăm khám, không nên mặc quần áo bó sát cho trẻ.
- Những trẻ bị suy chức năng ở các bộ phận như suy hô hấp, suy tim, suy thận, suy gan, suy tuần hoàn… Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch bẩm sinh không được tiêm chủng các loại vacxin sống.
- Những trẻ mới dùng các sản phẩm miễn dịch globulin trong vòng 3 tháng trước khi tiêm phòng (trừ trường hợp đang sử dụng globulin điều trị viêm gan B), trẻ đang điều trị corticoid hoặc vừa mới kết thúc trong vòng 14 ngày, trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2 kg được khuyến cáo là không nên tiêm phòng
- Sau khi tiêm phòng cần cho trẻ ở lại 30 phút để cán bộ y tế theo dõi.
Sau khi tiêm phòng cần chăm sóc và theo dõi trẻ cẩn thận
Những phản ứng không mong muốn khi tiêm phòng cho trẻ và cách khắc phục
- Sốt: Sau khi tiêm phòng, trẻ có thể bị sốt nhẹ 38 – 38,5 độ C. Các bà mẹ không nên quá lo lắng, đây là phản ứng bình thường của cơ thể với vacxin và sẽ tự biến mất sau 1 – 2 ngày. Nếu trẻ bị sốt quá cao, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay sau khi vừa tiêm vì như vậy không có lợi cho trẻ. Khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, bỏ bú, quấy khóc từ 1 – 2 ngày đi kèm với dấu hiệu da tím tái, co giật thì cần đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.
- Sưng tấy hoặc nổi cục cứng ở vị trí tiêm và trên da: Một số trẻ cơ địa quá nhạy cảm khiến da bị nổi cục cứng hoặc sưng đỏ ở ví trí tiêm. Hiện tượng này sẽ kéo dài 6 – 8 tiếng. Các mẹ cần chườm lạnh để giảm đau cho bé. Sau khoảng 24 giờ tiếp theo, các mẹ có thể chườm nóng để làm biến mất các vết sưng tấy.
- Quấy khóc: Sau khi tiêm, trẻ bị quấy khóc liên tục sau 3 giờ đồng hồ và kéo dài trong vòng 2 ngày tiếp theo trẻ vẫn có những biểu hiện quấy khóc liên tục, không ngủ, da khô và mệt mỏi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu và kiểm tra cho trẻ.
- Co giật: xuất hiện những cơn co giật toàn thân, cần tiến hành ngay các biện pháp hỗ trợ như hút đờm dãi, thông đường thở, thở oxy. Kết hợp với cho trẻ dùng thuốc phòng chống co giật theo chỉ định của bác sĩ.
Tiêm phòng giúp phòng chống bệnh tật hiệu quả cho trẻ
Cách hạ sốt cho trẻ khi tiêm phòng từ thiên nhiên
- Mẹ ăn lá tía tô sống: Đây là một bài thuốc dân gian, được nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm phòng. Trước khi đi tiêm các mẹ ăn khoảng chục ngọn lá tía tô hoặc ăn càng nhiều càng tốt, sau đó cho bé bú. Sau khi trẻ tiêm xong về các mẹ chỉ cần cho bé bú nhiều để tránh mất nước. Lá tía tô có chứa chất kháng sinh tự nhiên giúp trẻ không bị sốt cao khi tiêm phòng. Đối với những bé không bú mẹ thì giã lá tía tô sống rồi hòa với chút nước ấm và cho bé uống sẽ giúp bé bớt sốt.
Lá tía tô có tác dụng hạ sốt hiệu quả cho trẻ sau khi tiêm phòng
- Chườm mát vào chỗ tiêm: Ngay sau khi tiêm phòng cho bé, mẹ có thể chườm nước mát vào chỗ tiêm để giảm đau và ngăn chặn sự sưng tấy ở chỗ tiêm. Hoặc các mẹ có thể lấy những cục đá nhỏ cho vào tấm khăn và chườm lên chỗ tiêm cho bé để hạn chế sự sưng tấy. Các mẹ có thể lấy khăn sữa nhúng vào nước sôi, vắt khô để nguội và cho vào ngăn đá tủ lạnh sau khoảng 30 phút lấy ra chườm lên vết tiêm cho bé, thực hiện 4 lần như thế kể từ khi đi tiêm về cho đến 12h đêm trẻ sẽ bớt sốt và giảm sưng tấy rõ rệt.
- Day bông chứa cồn ở chỗ tiêm: khi trẻ vừa tiêm xong, mẹ lấy miếng bông chứa cồn để ở mũi tiêm, day day chỗ tiêm cho trẻ đến khi khô thì bỏ đi. Đây là cách giúp vacxin khuếch tán nhanh hơn trong cơ thể, tránh bị nổi u cục ở chỗ tiêm.
- Sau khi về đến nhà các mẹ nên lấy một chai nước hoặc bình sữa của trẻ đổ nước ấm vào, dùng khăn sữa bọc thân chai lại và chườm lên chỗ tiêm sẽ làm giảm sưng tấy hiệu quả. Các mẹ chú ý độ nóng tránh để nước nóng quá làm trẻ bị đau và bỏng da của trẻ. Thực hiện cách này trẻ sẽ không bị sưng và đau ở chỗ tiêm.
- Không nên tắm cho trẻ khi trẻ mới vừa tiêm phòng về. Vì sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, nguy hại đến trẻ.