Đâu là nguyên nhân gây bệnh Trầm Cảm Lo Âu và quá trình điều trị phục hồi của chứng bệnh này
Trầm cảm và lo âu là những vấn đề tâm lí có xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại mà người thầy thuốc gia đình phải đối mặt nhiều nhất. Đây là những triệu chứng tâm lí mang tính xã hội cần phải được xem xét, nghiên cứu vì tỉ lệ người mắc chứng bệnh này đang ngày càng tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến loài người.
Lo âu là gì? Có những loại lo âu nào?
Lo âu là trạng thái tâm lí do lo lắng quá mức trong thời gian dài gây ra. Người bị rối loạn lo âu thường trong trạng thái kinh hãi quá mức đối với mọi vấn đề, mọi hoàn cảnh và bất an về tất cả mọi thứ xung quanh. Những biểu hiện cảm xúc này rất khó kiểm soát, làm cho người bệnh luôn chìm trong trạng thái kinh sợ kéo dài.
Các loại rối loạn lo âu:
- Lo lắng lan tỏa: luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi, gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Những người bị chứng lo âu lan tỏa lúc nào cũng trong trạng thái lo lắng mà không biết tại sao. Họ thường có những biểu hiện khác đi kèm như mất ngủ, bồn chồn, nóng rát dạ dày, bất an, mệt mỏi...
- Có vấn đề về giấc ngủ: ngủ không được ngon giấc, không có cảm giác thư thái trong lúc ngủ và sau khi tỉnh giấc, người bệnh khó bình tĩnh trở lại.
- Sợ hãi vô lí: tim đập nhanh, những cơn hoảng hốt sợ hãi luôn thường trực, thở dồn dập, run rẩy chân tay, buồn nôn, thậm chí có khi cảm giác như mất kiểm soát bản thân hoặc cảm thấy như bị điên. Ở người bệnh còn kèm theo trạng thái sợ đám đông hoặc sợ ở một mình, ngại đến những nơi công cộng.
Lo âu là trạng thái tâm lí ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt
- Sợ đặc hiệu: luôn sợ hãi một điều gì đó không có thật hoặc sợ hãi quá mức đối với một hành động, một đồ vật hoặc một tình huống không thực sự nguy hiểm. Sợ đặc hiệu được đặc trưng bởi triệu chứng sợ động vật như nhện, rắn, sợ độ cao hoặc sợ đi máy bay. Bệnh kéo dài làm cho nỗi sợ hãi càng thêm nặng và người bệnh thường tránh những tình huống gây nên nỗi sợ hãi này.
- Rối loạn stress sau chấn thương: sau khi bị trấn thương về mặt thể chất hoặc tinh thần, người bệnh có biểu hiện stress. Các tổn thương đó có thể là chiến tranh, khủng bố, mất việc, hiếp dâm, tù đầy, mất người thân yêu... Người bệnh trở nên lạnh nhạt, vô cảm với những người xung quanh, không muốn nghe những hoàn cảnh có thể gợi lại những kí ức cũ nhưng ban đêm lại hay gặp những ác mộng về nó. Tính tình thay đổi trở nên nóng nẩy, khó tính và hung dữ.
- Hoảng loạn tấn công: người bệnh bỗng nhiên sợ hãi và bất lực trong vài phút kèm theo các dấu hiệu như khó thở, tê liệt chân tay, đổ mồ hôi, đau đầu, mệt mỏi như không còn sức lực.
- Nghi ngờ chính bản thân: thói quen tập trung quá nhiều vào một số vấn đề rồi liên tiếp tự đặt câu hỏi nghi ngờ bản thân như mình có năng lực không, mình có yêu chồng không, giá như mình đã không làm điều đó,... Những câu hỏi này luôn không có câu trả lời rõ ràng và người bệnh luôn chìm đắm trong trạng thái mệt mỏi, lo âu.
- Sợ khoảng trống: sợ hãi khi ở một mình hoặc ở những nơi, những tình huống mà người bệnh khó hoặc lúng túng để thoát ra. Người bị ám ảnh sợ khoảng trống sẽ cảm thấy khá hơn khi ở những nơi an toàn, có người thân hoặc bạn bè bên cạnh, thậm chí là chỉ có một con chó cảnh hoặc được uống thuốc trấn an tinh thần.
Nguyên nhân nào dẫn đến lo âu?
- Tuổi thơ bất hạnh: Những người lớn lên trong hoàn cảnh có nhiều bất hạnh và tổn thương hoặc bị bạo hành từ nhỏ sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu.
- Căng thẳng do bệnh tật: người bệnh mắc phải các chứng bệnh nặng nên sinh hoang mang, lo lắng tột độ. Họ lo âu về tương lai tồn tại của mình, hiệu quả điều trị và chi phí để tiến hành điều trị.
- Stress quá mức: những người bị stress dồn dập, liên tiếp trong cuộc sống và công việc có thể dẫn đến rối loạn lo âu.
Stress quá mức và kèo dài gây nên rối loạn lo âu
- Nhân cách: cô đơn và không được đáp ứng nhu cầu về tâm lí cũng như những liên hệ gần gũi sẽ có nguy cơ cao mắc rối loạn lo âu. Ngoài ra, một số dạng rối loạn nhân cách dễ dẫn đến rối loạn lo âu như rối loạn nhân cách ranh giới.
- Di truyền: rối loạn lo âu lan tỏa thường gặp ở những thành viên trong cùng một gia đình có tiền sử mắc bệnh.
- Tham vọng quá nhiều mà không đạt được: bản thân luôn mong đợi vào những điều hoàn hảo nhưng không đạt được, luôn cảm thấy mệt mỏi, tồi tệ và ngột ngạt.
- Những người đang trong tình trạng cai nghiện ma túy có nguy cơ bị hoang mang và lo âu.
- Lo âu thường xảy ra và có dấu hiệu nặng hơn nếu lạm dụng rượu, cà phê, uống thuốc giảm cân và thuốc điều trị cảm lạnh quá liều.
Lạm dụng thuốc giảm cân và cảm lạnh gây nên triệu chứng lo âu
Những biểu hiện của rối loạn lo âu
- Biểu hiện về cảm xúc: lo lắng và sợ hãi quá mức trước những sự việc không đáng lo ngại, cảm giác sợ chết, dễ bị kích thích, mất tập trung và chú ý vào công việc, cảm giác căng thẳng, đứng ngồi không yên hay giật mình, luôn bị ám ảnh bởi những điều tồi tệ sẽ đến với mình.
- Biểu hiện của cơ thể: tim đập nhanh, vã mồ hôi, nóng rát ở dạ dày, hoa mắt, chóng mặt, đi tiểu nhiều, thở dồn dập, run rẩy và co giật chân tay, đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ thường xuyên.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị lo âu
v Những phương pháp chẩn đoán lo âu:
- Đặt câu hỏi: Bác sĩ sẽ bắt đầu khám và chẩn đoán cho người bệnh bằng cách đặt câu hỏi về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Đó là những câu hỏi được sử dụng trong bảng câu hỏi tâm lí để bác sĩ có thể xác định những điều gì đang xảy ra đối với người bệnh.
- Kiểm tra vật lí: để tìm những triệu chứng lo lắng liên quan đến chứng rối loạn lo âu.
- Khám lâm sàng và xét nghiệm máu cũng như các xét nghiệm khác để loại trừ những bệnh lí khác như cường giáp, huyết áp, tim mạch...
- Trong quá trình chẩn đoán rối loạn lo âu phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
+ Theo dõi các dấu hiệu của sự lo lắng và lo lắng quá trong vòng 6 tháng.
+ Không thể kiểm soát được sự lo lắng mặc dù đã có người thân xung quanh trấn an.
+ Lo lắng thường xuyên và lo âu quá mức là nguyên nhân gây căng thẳng và trở ngại trong cuộc sống.
+ Xuất hiện những triệu chứng sau ở người lớn và trẻ em: bồn chồn, mệt mỏi, mất tập trung, căng thẳng cơ bắp và khó đi vào giấc ngủ.
v Điều trị lo âu
- Các loại thuốc điều trị rối loạn lo âu gồm benzodiazepines và thuốc chống lo âu khác như buspirone.
- Chia sẻ với người khác về cảm xúc của mình.
- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và giải trí hợp lí. Nên dành nhiều thời gian thư giãn, luyện tập dưỡng sinh, khí công rất có lợi trong điều trị lo âu.
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao tăng cường thể lực và cơ bắp.
- Ngủ đủ giấc, tránh suy nghĩ quá độ khi sắp bước vào giấc ngủ.
- Tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích ma túy, cà phê...
- Nhận biết đúng khả năng của mình, không nên tham vọng quá cao mà bản thân không thể đạt được.
- Quan hệ cởi mở với bạn bè và những người xung quanh, tránh ích kỉ, thù hằn, giận dữ.
Luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, yêu đời là biện pháp hiệu quả điều trị lo âu
- Tâm sự, chia sẻ những điều mà mình lo lắng, buồn phiền với những người thân hoặc người mà chúng ta tin tưởng.
Phương pháp sống mạnh khỏe để phòng ngừa lo âu
Lo âu là triệu chứng tâm lí thường gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Phòng ngừa lo âu để biện pháp tốt nhất để tránh bị trầm cảm và các triệu chứng tâm lí nặng nề khác.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục là cách giảm căng thẳng và stress mạnh mẽ, giúp cải thiện tâm lí. Do đó, chúng ta cần phát triển thói quen tốt này để giữ thể chất luôn khỏe mạnh và tinh thần ổn định.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, ăn ít chất béo, đường và đồ ăn sẵn. Tăng cường ăn rau xanh, chất xơ và hoa quả tươi. Bổ sung các thực phẩm giàu omega 3 và các vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Hạn chế rượu bia và tránh lạm dụng các loại thuốc an thần khác. Vì nó là nguồn cơn làm cho sự lo lắng thêm trầm trong.
- Cân bằng cuộc sống, tránh lo lắng quá độ, ngủ đủ giấc. Nếu có dấu hiệu không ngủ được hoặc mất ngủ cần đi gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Trầm cảm là gì ?Có những loại trầm cảm nào?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm lí, gây ra bởi trạng thái buồn, chán nản hoặc lo âu kéo dài dai dẳng. Trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách cảm nhận, suy nghĩ và hành xử trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh, thậm chí để lại những vấn đề đa dạng về thể chất và tinh thần.
Trầm cảm là căn bệnh đang ngày càng phổ biến hiện nay. Theo thống kê, 80% dân số sẽ có nguy cơ bị trầm cảm trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông.
Những loại trầm cảm: Trầm cảm gồm có 3 nhóm chính
- Trầm cảm nội sinh: là trầm cảm không rõ nguyên nhân. Hiện nay có nhiều giả thuyết được đặt ra là có thể do di truyền, môi trường sống và yếu tố tâm lí – xã hội... nhưng chưa có giả thuyết nào mang lại thuyết phục.
- Trầm cảm do stress: là trầm cảm do chịu nhiều áp lực trong cuộc sống như mất việc làm, mâu thuẫn gia đình, bạn bè, ức chế tinh thần ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, phá sản hoặc mất người thân yêu đột ngột...
- Trầm cảm sau sinh: xảy ra ở phụ nữ sau sinh trong khoảng 6 tuần đầu.
Trầm cảm là triệu chứng tâm lí ngày càng phổ biến
Những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
- Di truyền: Những người sinh ra trong gia đình từng có người bị trầm cảm sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh trầm cảm cao hơn người bình thường.
- Các chất hóa học của não: Theo một số nghiên cứu cho thấy, những người bị trầm cảm trong bộ não có các thành phần hóa học khác với những người bình thường.
- Stress: biến cố lớn xảy đến như mất người thân, khó khăn trong mối quan hệ tình cảm hay công việc hoặc bất kì tình huống nào do stress cũng có thể gây ra trầm cảm.
- Tiền sử mắc các bệnh rối loạn như rối loạn lo lắng, rối loạn nhân cách hoặc rối loạn sau sang chấn.
- Lạm dụng những đồ uống có cồn hoặc các loại thuốc gây nghiện.
Nghiện rượu bia dễ dẫn tới trầm cảm
- Dùng các loại thuốc chữa mất ngủ hoặc cao huyết áp trong thời gian dài có tác dụng phụ gây trầm cảm.
- Chịu những chấn thương hay căng thẳng trầm trọng như bị lạm dụng tình dục và thể xác, khó khăn về tài chính hoặc phá sản, đổ vỡ mối quan hệ trong hôn nhân và gia đình...
- Sử dụng ma túy và các chất gây nghiện trái pháp luật.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm
- Khó để tập trung vào công việc.
- Vô cùng mệt mỏi, chán nản, buồn bã và bất hạnh.
- Luôn trong tình trạng buồn và trống rỗng.
- Cảm thấy mất hết hi vọng, dễ bị kích động, lo lắng quá mức và cảm thấy có lỗi.
- Suy giảm ham muốn tình dục.
- Đau đầu dai dẳng, đau bụng hoặc có vấn đề về tiêu hóa.
- Nỗi buồn hoặc chán nản kéo dài khiến người bệnh khó có thể làm việc và vui vẻ với người thân và những người xung quanh.
- Mất ngủ triền miên hoặc ngủ quá nhiều.
- Cảm thấy vô dụng, tội lỗi và lưu luyến về những thất bại đã xảy ra hay đổ lỗi cho chính mình về mọi thứ.
- Trong nhiều trường hợp trầm cảm nghiêm trọng dẫn đến người bệnh luôn nghĩ về cái chết và có ý định tự tử.
Người bị trầm cảm luôn nghĩ đến cái chết
Phương pháp chẩn đoán và điều trị trầm cảm
- Phương pháp chẩn đoán:
+ Khám lâm sàng: người bệnh sẽ được kiểm tra bằng cách đo chiều cao, cân nặng, nhịp tim, huyết áp, phổi và bụng để xác định những thay đổi diễn ra.
+ Phòng thí nghiệm: xét nghiệm máu toàn phần hoặc kiểm tra tuyến giáp để xem nó có hoạt động bình thường hay có vấn đề.
+ Đánh giá tâm lí: các bác sĩ tâm lí lắng nghe người bệnh chia sẻ về những suy nghĩ, cảm xúc và các hành vi. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những dấu hiệu của hiện tại và quá khứ, trò chuyện, cùng thảo luận về những ý nghĩ tự tử hoặc những tổn hại cho bản thân.
- Điều trị trầm cảm:
+ Điều trị bằng thuốc: thuốc chống trầm cảm ức chế serotonin có chọn lọc như escitalopram, paroxetine, fluoxetine sertraline và citalopram. Người bệnh cần hết sức lưu ý khi sử dụng thuốc trầm cảm vì thuốc có những tác dụng phụ như đau đầu, nôn nao, bồn chồn, căng thẳng, kích động khiến người bệnh có thể có ý định tự tử hoặc tự tử trước khi thuốc có tác dụng.
Điều trị bằng thuốc đối với người trầm cảm
+ Tâm lí trị liệu: Bác sĩ tâm lí sẽ dạy cho bạn những cách suy nghĩ và hành xử mới, từ bỏ các thói quen gây nên trầm cảm. Đồng thời, bác sĩ tâm lí sẽ giúp người bệnh vượt qua những khó khăn trong các mối quan hệ hoặc những tình huống khiến người bệnh rơi vào trầm cảm.
+ Sốc điện: Khi trầm cảm trở nên trầm trọng, không thể điều trị được bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lí, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng liệu pháp sốc điện. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này có thể gây tác dụng phụ như mất trí nhớ, lú lẫn tạm thời.
Phương pháp sống lành mạnh để phòng ngừa trầm cảm
- Vui vẻ, hòa đồng không nên cô lập mình.
- Đơn giản hóa mọi thứ, không nên suy nghĩ quá độ.
- Rèn luyện thói quen tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày dành thời gian 30 phút tập thể thao giải tỏa căng thẳng và tăng cường thể lực.
- Ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng.
- Cân bằng cảm xúc, dành thời gian thư giãn, học cách buông bỏ và kiểm soát căng thẳng.
- Không nên suy nghĩ hay đưa ra các quyết định trong khi chán nản và mất hi vọng.
- Trò chuyện và chia sẻ với người thân hoặc người mà bạn tin tưởng là biện pháp đơn giản để phòng ngừa và điều trị trầm cảm.
- Hạn chế đồ uống có cồn và các chất gây nghiện trái pháp luật.