Vắc-xin ngừa Ung Thư Cổ Tử Cung: Những điều quan trọng không thể không biết
HPV và vacxin ngừa ung thư cổ tử cung
HPV là gì
Human papillom virus (HPV) là chủng virut gây ung thư cổ tử cung – căn bệnh gây tử vong thứ 2 ở phụ nữ trên thế giới. HPV lây truyền qua quan hệ tình dục mà bao cao su không thể bảo vệ được. HPV có khoảng 120 type, tất cả các chủng HPV đều có khả năng gây tổn thương đường sinh dục, là nguồn cơn của những loại bệnh như mụn cóc, viêm âm hộ, âm đạo…
Đa số bệnh nhân bị nhiễm HPV đều không có biểu hiện phát bệnh. HPV dễ lây truyền ở cả nam và nữ có quan hệ tình dục như giao hợp, quan hệ ngoài, quan hệ bằng miệng... Những người có nhiều bạn tình sẽ có nguy cơ cao nhiễm HPV. Thông thường, HPV có thể được ngăn chặn bằng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên khả năng lây nhiễm kéo dài, lặp lại nhiều lần HPV âm thầm xâm nhập gây nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ
Theo các chuyên gia trên Thế giới đã khẳng định, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là virut HPV và rất khó để nhận biết vì chúng không gây ra các triệu chứng đau hay có những dấu hiệu bất thường từ cơ thể. Ngoài lây truyền qua quan hệ tình dục, HPV còn có khả năng lây nhiễm qua những tiếp xúc trực tiếp như dùng chung quần áo, dùng chung dụng cụ thăm khám phụ khoa...
Tại sao cần tiêm vacxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến trên thế giới hiện nay với nguy cơ cao gây tử vong ở phụ nữ. Bệnh thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi từ 35 trở lên chủ yếu do nhiễm virut HPV trong thời gian dài. Trên thực tế có tới 70% người bệnh bị ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV. Chủng virut HPV xâm nhập vào tử cung qua đường tình dục, gây ra những biến đổi ở tế bào và gây ung thư. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có thể gây nên ung thư cổ tử cung là quan hệ tình dục sớm hoặc bị xâm hại tình dục sớm, có nhiều bạn tình, vệ sinh cơ thể và bộ phận sinh dục kém, hút nhiều thuốc lá... Để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh lí do HPV gây ra, việc tiêm phòng vacxin ngăn ngừa virut HPV là điều cần thiết hiện nay
Tiêm vacxin HPV để phòng chống ung thư cổ tử cung hiệu quả
Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hướng dẫn phòng chống nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách: khuyến cáo không nên quan hệ tình dục sớm, tiêm vacxin phòng ngừa HPV và khám tầm soát định kì. Sự ra đời của vacxin ngừa HPV là bước đột phá của nền y học, giúp giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trên thế giới. Tiêm vacxin ngừa HPV là cách tối ưu để phòng lây nhiễm virut HPV.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, đến nay phụ nữ và trẻ em ở tại hơn 55 quốc gia đã được tiêm vacxin ngừa HPV hiệu quả, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Các loại vacxin ngừa ung thư cổ tử cung và đặc điểm
Tiêm vacxin HPV là biện pháp phổ biến và hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Vacxin HPV đầu tiên ra đời năm 2006, đến nay đã có nhiều bước phát triển tốt. Hiện nay, trên thế giới có 3 loại vacxin ngừa ung thư cổ tử cung:
- Vacxin tứ giá Gardasil: có khả phòng ngừa 100% các HPV 6, 11, 16, 18 ở nữ giới và 90% bệnh sinh dục ở nam giới. Gardasil là vacxin được cấp phép tiêm cho cả nam và nữ. Vacxin được chỉ định tiêm ngừa cho bé gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi.
- Vacxin nhị giá Cervarix: có khả năng ngừa 98% chủng HPV 16, 18. Cervarix là vacxin có tác dụng ngăn ngừa những HPV có khả năng gây tổn thương tiền ung thư ác tính và ung thư cổ tử cung. Vacxin được chỉ định sử dụng cho những bé gái và phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi.
Phụ nữ cần được tiêm phòng Vacxin HPV để ngăn ngừa nguy cơ ung thư cổ tử cung
- Vacxin cửu giá Gardasil 9: phòng ngừa trên 90% HPV 6, 11, 16, 18 và 96% bệnh liên quan đến HPV 31, 33, 45, 52, 58. Sự ra đời của vacxin cửu giá là bước tiến trong nghiên cứu và sản xuất vacxin vì nó có thể ngăn ngừa được tới 9 chủng virut HPV. Vacxin cửu giá được mở rộng tiêm chủng rộng rãi cho cả nam giới.
Việc tiêm chủng phòng ngừa HPV bằng các loại vacxin không chỉ bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ bị ưng thư cổ tử cung mà còn ngăn ngừa các bệnh lí khác do HPV gây ra như ung thư âm đạo, âm hộ, hậu môn và hầu họng. Tại Úc, Hoa Kỳ và một số nước phát triển, vacxin HPV được cấp phép sử dụng cho cả nam và nữ từ 9 tuổi trở lên. Một số nước còn mở rộng độ tuổi tiêm chủng ở phụ nữ đến 45 tuổi.
Các loại vacxin trên đều được chỉ định tiêm phòng đầy đủ với 3 liều với các khoảng 0, 1 hoặc 2 và 6 tháng sau khi tiêm mũi 1. Hiện nay, cơ quan Quản lí thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ đã chính thức cấp phép chỉ cần sử dụng 2 liều cho vacxin Gardasil ở các bé trai và bé gái có độ tuổi từ 9 – 14.
Sử dụng vacxin để phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Vacxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung được khuyến khích sử dụng mở rộng cho cả bé gái và bé trai từ 11 – 12 tuổi. Ở một số nơi khác có thể tiêm chủng ở 9 tuổi nhưng mục đích chung vẫn là phòng ngừa trước khi quan hệ tình dục. Tiêm chủng vacxin khi đã quan hệ tình dục hiệu quả sẽ không cao bằng chưa từng quan hệ tình dục.
Những phụ nữ dưới 26 tuổi mà chưa được tiêm phòng vacxin ngừa ung thư cổ tử cung thì nên đi tiêm phòng để bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm của HPV. Các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng với khoảng cách là liều thứ 2 cách liều thứ nhất 1 – 2 tháng và liều thứ 3 sau liều thứ nhất 6 tháng.
Các chúng HPV đa dạng, nguy hiểm nên cần phải phòng ngừa
Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, mức độ kháng thể trong cơ thể của người phụ nữ tăng lên sau mỗi lần chích ngừa 3 mũi vacxin. Vacxin phòng ngừa HPV sẽ làm cơ thể sinh ra những kháng thể ở mức cao và luôn cố gắng bảo vệ cơ thể khỏi chúng HPV lớn nhất trong khoảng thời gian dài nhất là vài năm hoặc vài chục năm.
Vacxin ngừa ung thư cổ tử cung sẽ gây tác dụng phụ như nhức đầu, sốt nhẹ hoặc cảm cúm. Đôi khi còn gây ngấy xủi hay chóng mặt sau khi tiêm, do đó sau khi tiêm nên khuyến cáo ngồi lại trong phòng 15 phút để theo dõi và giảm nguy cơ ngất. Riêng vacxin Cervarix có thể gây nôn, tiêu chảy và đau bụng.
Trong các thử nghiệm lâm sàng đã được báo cáo, 2 loại vacxin Gardasil và Cervarix có hiệu quả cao khi tiêm phòng ở nữ giới trong độ tuổi dưới 26, kể cả những trường hợp đã bị nhiễm HPV. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV mà bạn chưa tiếp xúc.
Phụ nữ sau khi đã được tiêm chủng vacxin phòng ngừa HPV không nên chủ quan mà vẫn cần phải làm xét nghiệm Pap định kì. Tầm soát ung thư thông qua kiểm tra vùng chậu và xét nghiệm Pap sẽ giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Phòng ngừa nguy cơ ung thư cổ tử cung
- Tiêm vacxin HPV để phòng ngừa nguy cơ bị ung thư cổ tử cung là biện pháp phổ biến và hiệu quả.
- Nên tiêm vacxin trước khi quan hệ tình dục để có hiệu quả cao.
- Chung thủy 1 vợ 1 chồng, không nên có nhiều bạn tình và quan hệ với nhiều bạn tình vì có nguy cơ cao bị lây nhiễm HPV.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, không nên sử dụng cách quan hệ bằng miệng hoặc quan hệ ngoài.
- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không nên sinh đẻ nhiều.
- Hạn chế thuốc lá và các chất kích thích như rượu bia.
- Vệ sinh hàng ngày đối với bộ phận sinh dục, vệ sinh trước và sau khi quan hệ.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học cung cấp đầy đủ vitamin E, A, C và canxin trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Chế độ ăn uống lành mạnh có tác dụng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
- Tăng cường những thực phẩm có tác dụng phòng chống ung thư như dâu tây, gừng, chuối, rau xanh, trà xanh, hoa quả tươi...
- Luôn lạc quan, vui vẻ, xả stress và hạn chế áp lực, căng thẳng.
- Khám phụ khoa định kì 3 tháng/lần để tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp, nên sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.